Trắng đêm xem Rùa biển đẻ trứng ở Côn Đảo

Trắng đêm xem Rùa biển đẻ trứng ở Côn Đảo 
 

Côn Sơn là một hòn đảo vô cùng xinh đẹp và thanh bình. Nơi có Vườn Quốc Gia và là Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước) thứ 6 và cũng là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.

Côn Đảo có thảm thực vật vô cùng phong phú với sức sống mãnh liệt. Đặc biệt là có một mùa hồi sinh của Rùa biển (còn gọi là Vích) - loài sinh vật cổ đại của đại dương có mùa đẻ trứng diễn ra từ tháng 5 tới đầu tháng 10.

Nín thở xem...rùa đẻ

Du khách thích thú chờ đợi xem giây phút rùa đẻ trứng

Thông thường vào buổi chiều, rùa sẽ thăm bãi từ xa để tối khi thủy triều lên, chúng sẽ lên dò bãi và lót ổ đẻ trứng. Trong bóng tối, thật không khó để nhìn thấy rùa. Nhưng khi quen dần sẽ nhìn thấy một vật màu đen đang di chuyển, kéo theo một vệt đen phía sau chính là đường đi của chúng. Trung bình một tối có 2 - 5 con lên dò bãi và thường có một con đẻ thành công.

Việc di chuyển từ dưới biển lên cho đến lúc tìm được chỗ đẻ tốt rồi hoàn thành quy trình đẻ trứng diễn ra khoảng 2 tiếng. Nếu lên bãi mà rùa cảm thấy không an toàn, không tìm được chỗ thích hợp, chúng sẽ bỏ đi. Bởi vậy trong quá trình rùa lên đẻ và đào ổ, tất cả phải im lặng, không được tạo ra ánh sáng trắng nào. Nếu không rùa nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh sẽ sợ và bỏ về biển. Với những con rùa "mót đẻ" quá trình đào ổ và đẻ trứng sẽ diễn ra nhanh hơn. Khi rùa làm ổ, các cán bộ kiểm lâm thường tiếp cận chúng từ phía sau, dùng cọc đánh dấu lỗ rùa sẽ đẻ trứng để sau khi rùa lấp ổ còn biết được ví trí để di dời trứng vì lỗ đẻ trứng của rùa rất khó xác định sau khi rùa mẹ đã lấp ổ.

Lỗ rùa đẻ trứng

 Do bản năng sinh tồn, chúng phải giấu ổ để tránh sự đe dọa từ các loài khác. Mỗi lỗ rùa tạo ra để đẻ trứng rộng khoảng 20cm, sâu 60 - 80cm và chứa được khoảng 50 - 180 trứng. Mỗi quả trứng như quả bóng bàn, hơi mềm.

Với loài rùa, phải đến 30 tuổi mới có thể sinh sản và mỗi mùa sinh sản rùa có thể đẻ khoảng 2 đến 5 ổ trứng. Những năm tiếp theo, chúng sẽ trở về đúng nơi đó để đẻ và đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng đặc biệt này.

Trong quá trình rùa lấp ổ, cán bộ kiểm lâm sẽ đo hoặc gắn thẻ cho rùa để phục vụ việc nghiên cứu và theo dõi rùa trong khu vực Vườn Quốc Gia.

Rùa lấp ổ rất khéo, lúc đầu bằng 2 chân sau, rồi lại dùng 2 chân trước quạt cát lấp tiếp rồi bò xuống biển. Các kiểm lâm bắt đầu chuyển sang công đoạn di dời ổ trứng bằng tay. Việc di dời phải thực hiện càng sớm càng tốt vì sau 6 tiếng mới chuyển thì ổ trứng sẽ bị hỏng.

Trứng rùa có kích thước nhỏ bằng quả bóng bàn

Trứng rùa nếu đủ điều kiện  thì sau khoảng 50 ngày sẽ nở. Rùa con sẽ chờ trứng nở hết rồi đồng loạt cùng chui lên khỏi ổ. Trung bình khoảng 80% trứng sẽ nở thành rùa con, nhưng do đạt đến độ trưởng thành chậm và có nhiều loài đe dọa nên ước tính tỉ lệ sống sót đến khi trưởng thành của rùa chỉ còn 1/1000. Bởi vậy loài sinh vật cổ đại này rất cần được bảo vệ.

Hiện tại chỉ có ở đảo Bảy Cạnh (đảo lớn nhất, nơi rùa lên đẻ nhiều nhất) nếu được sự đồng ý của Vườn Quốc Gia, bạn có thể xem rùa đẻ trứng và thả rùa con, nhưng việc này dần bị hạn chế bởi các nguy cơ đe dọa rùa.




0 nhận xét: